
Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, khẳng định: “Hôm nay, chúng ta không chỉ ở đây để trao đổi kiến thức. Chúng ta ở đây để thể hiện cam kết chung của chúng ta trong việc giải quyết một số vấn đề cấp bách nhất của thế giới – năng lượng sạch, vật liệu bền vững và công nghệ xanh. Đây không phải là những thách thức cho tương lai. Đây là những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngay bây giờ”.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN đồng thời cho biết, Nhà trường đang xây dựng môi trường học thuật khuyến khích kết nối toàn cầu. Vì vậy, các sự kiện như Diễn đàn InnovaConnect 2025 rất quan trọng để nuôi dưỡng thế hệ các nhà khoa học, kỹ sư và những người tạo ra sự thay đổi tiếp theo, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho toàn thế giới.
Phát biểu chào mừng các đại biểu về dự Diễn đàn, TS. Lê Thái Hà, Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture gửi lời cảm ơn sâu sắc tới đơn vị đồng hành Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN và khẳng định, chủ đề Diễn đàn không chỉ mang tính thời sự, mà còn hết sức thiết yếu và hoàn toàn phù hợp với sứ mệnh của Quỹ VinFuture, đó là: thúc đẩy khoa học và công nghệ đột phá phục vụ nhân loại, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới hiện nay.

Giám đốc điều hành Quỹ VinFuture cũng cho rằng việc tìm kiếm những phương thức sạch hơn, thông minh hơn và bền vững hơn để cung cấp năng lượng cho tương lai chính là một trong những vấn đề cấp thiết nhất hiện nay. Quỹ VinFuture tin tưởng vào sức mạnh của sự hợp tác giữa các quốc gia, các ngành khoa học và cả các thế hệ trên toàn cầu.
Diễn đàn có sự tham gia trình bày của ba nhà khoa học uy tín đến từ Việt Nam, Hàn Quốc và Australia. Trong đó, đại diện của Việt Nam là PGS.TS. Võ Thắng Nguyên, giảng viên Khoa Lý – Hoá, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN với bài chia sẻ kết quả nghiên cứu liên quan đến vật liệu MOF dùng cho quang xúc tác và điện xúc tác. Hai nhà khoa học khác là: GS. Yeon-Tae Yu, Bộ môn Kỹ thuật Vật liệu Tiên tiến, Trường Đại học Quốc gia Jeonbuk (Hàn Quốc) với bài chia sẻ những cập nhật nghiên cứu mới lĩnh vực nano ứng dụng trong năng năng lượng tái tạo và TS. Dư Hoàng Long, Trường Hóa học, Đại học Monash (Australia) giới thiệu công trình nghiên cứu về công nghệ điện hóa tổng hợp ứng dụng amonia (NH3) và sản xuất hydrogen.



Bên cạnh phần trình bày của các diễn giả, chương trình còn có phiên trao đổi trực tiếp giữa các chuyên gia và cộng đồng khoa học tham dự. Đây là diễn đàn mở để các nhà nghiên cứu chia sẻ góc nhìn đa chiều, kết nối hợp tác và cùng nhau đề xuất các hướng nghiên cứu mới ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và khủng hoảng năng lượng toàn cầu.


Diễn đàn InnovaConnect 2025 là một trong những hoạt động kết nối khoa học – công nghệ – đổi mới sáng tạo mà Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN hướng đến, đồng thời thể hiện tầm nhìn chung giữa nhà trường và Quỹ VinFuture trong việc thúc đẩy các giá trị bền vững vì con người và hành tinh.
