
Trường Đại học Udon Thani Rajabhat, Thái Lan.

Phát biểu tại buổi làm việc, PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, bày tỏ niềm vui mừng, trân trọng khi được đón tiếp các chuyên gia, nhà nghiên cứu và bày tỏ kỳ vọng buổi trao đổi sẽ mở ra một hành trình hợp tác lâu dài, hiệu quả giữa hai bên, cùng hướng tới mục tiêu gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa cổ đại trong tinh thần học thuật cởi mở, sáng tạo và gắn với phát triển bền vững.

PGS.TS. Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN rất vinh dự được đồng hành cùng dự án “Nghiên cứu nền văn minh Srikotaboon và các giá trị văn hóa – xã hội phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” – một dự án mang tầm vóc khu vực, thể hiện sự kết nối bền chặt giữa học thuật và văn hóa, giữa quá khứ và tương lai. Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN, cũng cho rằng, với vị trí địa lý và chiều sâu văn hóa của miền Trung – đặc biệt là di sản văn minh Champa, hai trường sẽ có rất nhiều điểm chung để cùng nhau nghiên cứu, chia sẻ và phát triển. Những giá trị khảo cổ, lịch sử và văn hóa mà dự án mang lại không chỉ góp phần làm sáng rõ những mối liên kết xuyên quốc gia trong tiểu vùng sông Mekong, mà còn mở ra cơ hội hợp tác thiết thực trong đào tạo, nghiên cứu và phát triển du lịch – văn hóa bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình, hai bên đã thảo luận các chủ đề liên quan đến nghiên cứu khảo cổ, bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, phát triển du lịch dựa trên văn hóa bản địa, và thúc đẩy các hoạt động đào tạo chung.
Đặc biệt, phần trình bày của TS. Aphirak Loykaew, giảng viên Trường Đại học Udon Thani Rajabhat (Thái Lan) – đã chia sẻ những phát hiện và hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu liên ngành về nền văn minh Srikotaboon (thế kỷ VI–X SCN), một trung tâm văn hóa cổ thuộc khu vực Đông Bắc Thái Lan.

chia sẻ những phát hiện mới trong nghiên cứu về nền văn minh Srikotaboon.
Thông qua các phương pháp hiện đại như công nghệ địa tin học (GIS), drone LiDAR, phân tích vật liệu XRF và nghiên cứu dân tộc học, nhóm nghiên cứu đã bước đầu phác họa bức tranh sinh động về sự giao thoa văn hóa giữa Champa, Khmer, Phật giáo Đại thừa và các cộng đồng bản địa. Các kết quả khảo sát cũng mở ra nhiều tiềm năng kết nối khảo cổ học với giáo dục, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế sản phẩm và phát triển du lịch bền vững.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, ông Võ Văn Thắng, nguyên Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm và các giảng viên Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN cũng có những trao đổi học thuật sôi nổi, tập trung vào tiềm năng hợp tác nghiên cứu liên ngành trong các lĩnh vực khảo cổ học, giáo dục di sản, bảo tồn sinh thái và phát triển cộng đồng. Đại diện 2 trường cũng trao đổi về khả năng hợp tác trong khảo sát thực địa, nghiên cứu liên ngành, đồng tổ chức hội thảo quốc tế, xuất bản công trình khoa học và phát triển sản phẩm giáo dục – du lịch lấy cảm hứng từ di sản văn hóa khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông.

Buổi trao đổi học thuật lần này là hoạt động nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN và Trường Đại học Udon Thani Rajabhat, góp phần cụ thể hóa cam kết tăng cường giao lưu học thuật, thúc đẩy hợp tác nghiên cứu và đào tạo quốc tế giữa hai cơ sở giáo dục. Thông qua các hoạt động trao đổi, hai bên đang từng bước xây dựng nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa khu vực trong bối cảnh hội nhập, đồng thời mở ra những cơ hội mới trong đào tạo nhân lực, phát triển sản phẩm khoa học – giáo dục gắn với di sản, phục vụ chiến lược phát triển bền vững trong tiểu vùng sông Mekong và khu vực Đông Nam Á.